Chuyển dịch đến vùng đất mới
Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VaRS), sự phát triển của thị trường bất động sản năm 2020 được phân loại khá rõ nét.
Cụ thể, ở khu vực miền Bắc, nhóm các tỉnh/thành phố được đánh giá tích cực sôi động, thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, bao gồm Quảng Ninh, Hải phòng, Bắc Giang và Vĩnh Phúc.
Nhóm địa phương phát triển chưa đồng đều và có hiện tượng chậm lại do ảnh hưởng Covid-19 gồm Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Hà và Nam Định. Riêng Bắc Ninh, Hưng Yên trong quý 4/2020 có dấu hiệu sôi động trở lại.
Những địa phương còn lại, thị trường bất động sản phát triển chưa mạnh. Một số tỉnh có tiềm năng phát triển tốt đang được các nhà phát triển bất động sản và các nhà đầu tư quan tâm là Thái Bình, Yên Bái, Phú Thọ và Hòa Bình.
Bắc Giang và Vĩnh Phúc vẫn duy trì được hoạt động bất động sản công nghiệp mạnh, giá đất nền vẫn ở mức trung bình nên tiếp tục hút lực cầu đầu tư tốt.
Ở Bắc Giang, sôi động nhất ở vùng Việt Yên, trong năm 2020 có khoảng 1.500 sản phẩm đã giao dịch thành công.
Tại Hải Phòng, thị trường bất động sản đã tăng tốc bứt phá rất nhanh sau khi tuyến cao tốc Hà Nội – Quảng Ninh thông xe. Thêm vào đó, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển hạ tầng đô thị trong thành phố và ở một số khu vực. Trong đó, những dự án của VinGroup, Hoàng Huy và các tập đoàn phát triển của Nhật đang được sự quan tâm của các nhà đầu tư đến với Hải Phòng.
Tại khu vực miền Trung, nhóm các tỉnh/TP đang có thị trường bất động sản phát triển tốt gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam.
Nhóm địa phương đã phát triển nhưng bị chựng lại, hiện hoạt động cầm chừng có Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Ngãi…
Nhóm địa phương có tiềm năng phát triển trong thời gian tới gồm Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.
Cụ thể, Thanh Hóa và Nghệ An hiện có chính sách thu hút đầu tư rất hiệu quả. Những thương hiệu bất động sản lớn như Vingroup, FLC, Eurowindow, BRG, TNG… gần như quy tụ đầy đủ về vùng này đã tạo diện mạo đô thị mới và thị trường bất động sản thực sự sôi động. Trong năm 2020, mặc dù gặp khó khăn nhưng vẫn có hàng ngàn giao dịch thành công ở mỗi địa phương.
Tại Đà Nẵng, điểm sáng cho bất động sản là việc chính quyền khóa mới đã có quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để phát triển. Điển hình là dự án Cocobay.
Sau tai tiếng làm ảnh hưởng đến bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, condotel, dự án này được sự hỗ trợ của chính quyền đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch phù hợp hơn.
Tại Nha Trang – Khánh Hòa, những dự án nằm tại những khu vực có quy hoạch phát triển, tiềm năng cao, đã được đầu tư hạ tầng cơ bản, có giá khởi điểm ở mức thấp được khách hàng và các nhà đầu tư quan tâm sôi động. Tiêu biểu có thể kể đến là đất nền khu tây và khu bắc TP. Nha Trang, khu vực Bắc Vân Phong, Cam Lâm…
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch VaRS, dự báo những khu vực này sẽ có biến động mạnh về giao dịch ở giai đoạn đầu năm 2021.
Ở khu vực Tây Nguyên, ông Đính cho rằng, trước tình trạng quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Nha Trang,… ngày càng khan hiếm, giá đất ngày một tăng cao, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng đầu tư về các nơi có tiềm năng phát triển kinh tế như Tây Nguyên.
Theo ông Đính, khu vực này có nhiều lợi thế về kinh tế, du lịch, văn hoá cộng với quỹ đất còn dồi dào, khả năng sinh lời cao nên không nằm ngoài đích nhắm của các doanh nghiệp và giới đầu tư bất động sản.
“Thị trường bất động sản Tây Nguyên đã thực sự sôi động khi xuất hiện những tổ hợp khu đô thị được đầu tư và quy hoạch bài bản, đáp ứng thị hiếu của thị trường”, ông Đính cho hay.
Thống kê từ một số sàn giao dịch bất động sản cho thấy, những dự án được quy hoạch bài bản, tiện ích đồng bộ đang dẫn dắt thị trường bất động sản Tây Nguyên với tỷ lệ hấp thụ đạt 70-80%.
Dòng sản phẩm bất động sản cao cấp, tích hợp không gian sống hiện đại, gồm công viên, siêu thị, trường học, khu vui chơi giải trí… luôn nằm trong giỏ hàng “đắt” khách.
Mức giá gia tăng của dòng sản phẩm này cũng duy trì ở mức cao và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh khi bước sang năm 2021.
Giá bất động sản phía nam bị đẩy lên cao
Tại các tỉnh phía nam, việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành tại Đồng Nai và phát triển Thành phố Thủ Đức cộng với hàng loạt tuyến cầu, đường kết nối không gian phát triển các tỉnh Miền Đông Nam Bộ với TP.HCM đã tạo nên làn sóng thực sự sôi động cho thị trường bất động sản.
Cụ thể, tại Bình Dương, các thành phố trực thuộc tỉnh có lợi thế tiếp giáp với TP.HCM (Thành phố Thủ Đức) và đang có tiềm lực phát triển kinh tế như Thuận An, Dĩ An thực sự đã trở thành mảnh đất màu mỡ để phát triển loại hình nhà ở chung cư có giá phù hợp (loại sản phẩm mà TP.HCM hiện đang thiếu và tiêu thụ rất tốt).
Theo ông Đính, giá căn hộ tại đây cũng đã bị đẩy lên nhanh chóng, bất chấp Covid-19. So với năm 2019, giá căn hộ bình quân từ 25-30 triệu đồng/m2 đã bị đẩy lên mức từ 30-35 triệu đồng/m2, thậm chí 37-38 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 15%)
Tương tự, tại Đồng Nai, với lợi thế tiếp giáp khu Đông TP. HCM và bản thân tỉnh đang có sự tăng trưởng kinh tế tốt, đặc biệt là sự đầu tư sân bay Long Thành đã khiến giá đất Đồng Nai tăng nhanh chóng.
Nếu trong năm 2019, giá đất bình quân tại Đồng Nai dao động trong khoảng 12-14 triệu đồng/m2 thì năm 2020 bị đẩy mạnh lên bình quân 22 triệu đồng/m2. Đất tại thị trấn Long Thành, có nơi đã tăng đến trên 100 triệu đồng/m2.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, do cũng là tỉnh tiếp giáp TP.HCM và có lợi thế phát triển kinh tế, đặc biệt lợi thế phát triển kinh tế du lịch nên là một trong những địa phương đã phát triển mạnh các dự án bất động sản từ rất sớm.
Sau nhiều lần thăng trầm, hiện nay thị trường bất động sản tại địa phương này khá ổn định. “Do được chính quyền địa phương quản lý hiệu quả nên giá đất đại hiện khá ổn định, đang duy trì ở mức bình quân trên 10 triệu đồng/m2”, ông Đính cho biết.
Tây Nam Bộ sôi động trở lại
Theo quan sát của VaRS, sau khi Chính Phủ phê duyệt đầu tư hàng loạt tuyến cao tốc và các cây cầu mới nối với TP.HCM, thị trường bất động sản một số tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đã trở nên sôi động.
Tại Cần Thơ, sau thời gian dài trầm lắng, đến cuối tháng 7/2020 mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng thị trường bất động sản tại đây đã sôi động trở lại.
Những dự án được đầu tư tốt, hoàn thành hạ tầng và có đầy đủ pháp lý (có sổ đỏ) được các nhà đầu tư quan tâm và giao dịch mạnh. Lượng cung ra thị trường khoảng 500 sản phẩm đất nền, tiêu thụ đạt 65%.
Các dự án gần trung tâm thành phố, gần lộ lớn có giá bình quân từ 40-60 triệu đồng/m2. Dự án nằm lớp trong, tiếp giáp lộ nhỏ có mức giá từ 19 – 30 triệu đồng/m2. Mức giá này tăng khoảng 7% so với năm 2019.
Các dự án tại Long An cũng được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, cũng bởi dịch bệnh nên lượng tiêu thụ chậm, các dự án chỉ đạt tỷ lệ hấp thụ bình quân khoảng 20%.
Một số dự án có tiềm năng tốt, có giá bán dao động từ 21 – 26 triệu đồng/m2. Các vùng khác trong tỉnh có giá bình quân đạt 13 – 15 triệu đồng/m2
Đáng chú ý nhất của thị trường bất động sản năm vừa qua có lẽ là Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) khi nơi này lên thành phố.
Các tập đoàn lớn như Sungroup, Vingroup trong quý 3 và quý 4 đã liên tiếp công bố đưa các khu đại đô thị du lịch ở Đảo Phú Quốc vào vận hành khai thác. Điều này đã tạo sức hút, sự sôi động trở lại cho thị trường bất động sản Phú Quốc sau thời gian dài trầm lắng.
Nguồn: CafeF