Tuyến đường này dài 89,3 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An theo lộ trình bắt đầu từ Bến Lức, chạy dọc cao tốc Bến Lức – Long Thành đến Nhơn Trạch, Tân Vạn, Bình Chuẩn, Quốc lộ 22 và kết thúc tại Bến Lức.
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa tổ chức cuộc họp về kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo 8 tỉnh lân cận cùng bàn bạc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải liên vùng phía Nam giai đoạn đến năm 2020 và những năm sau đó.
Ông Bùi Xuân Cường,Giám đốc Sở GTVT thành phố cho rằng, hạ tầng giao thông hiện hữu của Vùng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Vùng. Giải pháp phát triển hạ tầng không thể từng địa phương đơn lẻ tự thực hiện mà cần có sự phối hợp chặt chẽ các thành viên.
Cũng theo ông Cường, thành phố đang cân đối nguồn lực để triển khai các dự án hạ tầng trên tinh thần ứng vốn làm trước, hoàn vốn sau. Sắp tới, Sở Giao thông Vận tải thành phố sẽ cung cấp danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư hoặc khởi công mới cho thành viên trong Vùng biết, chủ động phối hợp, nhất là trong giải phóng mặt bằng.
Đại diện các Sở Giao thông Vận tải Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam thống nhất kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông trong Vùng. Theo đó, sẽ bổ sung mới 5 tuyến liên vùng với tổng chiều dài gần 240 km, quy mô 4-6 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 32.200 tỷ đồng; kéo dài 10 trục đường đã quy hoạch với tổng chiều dài gần 730 km, tổng mức đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng; điều chỉnh hướng tuyến đường N2.
Đáng lưu ý, dự án có tính chất liên Vùng quan trọng là đường Vành đai 3 cũng được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm tại cuộc họp. Đường vành đai 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và điều chỉnh từ năm 2013.
Tuyến đường này dài 89,3 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An theo lộ trình bắt đầu từ Bến Lức, chạy dọc cao tốc Bến Lức – Long Thành đến Nhơn Trạch, Tân Vạn, Bình Chuẩn, Quốc lộ 22 và kết thúc tại Bến Lức.
Đường Vành đai 3 được chia làm 4 đoạn. Cụ thể, đoạn 1 Nhơn Trạch (Đồng Nai) – Tân Vạn (TP.HCM) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 23.600 tỷ đồng; đoạn 2 Mỹ Phước – Tân Vạn đang được tỉnh Bình Dương đầu tư với tổng vốn giai đoạn 1 khoảng 3.500 tỷ đồng; đoạn 3 Bình Chuẩn (Bình Dương) – Quốc lộ 22 (TP.HCM) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.800 tỷ đồng; đoạn 4 Quốc lộ 22 – cao tốc TP.HCM – Trung Lương (TP.HCM) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho rằng, cần phải xúc tiến nhanh dự án đường Vành đai 3 với sự kết hợp chặt chẽ các địa phương, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu công tác này không làm quyết liệt thì dự án sẽ chậm tiến độ.
Về đường sắt, TP.HCM đề xuất xác định ga Bình Triệu (quận Thủ Đức) là ga đầu mối chính và bổ sung nhánh kết nối giữa ga Bình Triệu với tuyến đường sắt TP.HCM– Cần Thơ. Với giao thông thuỷ, đề xuất bổ sung luồng tuyến kết nối nhanh hướng Đông Tây từ cửa sông Vàm Cỏ tới cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và từ sông Đồng Nai tới sông Thị Vải; bổ sung các cảng sông ICD để gom hàng và vận chuyển tới các cảng biển nhằm giảm áp lực cho giao thông đường bộ.
Song song đó, Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ sớm trình Bộ Giao thông Vận tải dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài để sớm đầu tư, phát huy hiệu quả kết nối các thành viên trong Vùng cũng như cả Vùng với Campuchia.
Các đề xuất này sẽ được trình lên Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất chủ trương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam trong quý 2/2018.
Theo Nguyên Minh
(Tri thức trẻ)
Cần tìm mua hoặc thuê nhà? Click tại đây để tham khảo gần 300,000 tin rao bất động sản nhà phố, căn hộ, biệt thự khắp Việt Nam!